Lộc Thánh Xuân

Lộc Thánh Xuân 2022 của An Nhung Nguyễn (Hái vào 23:26 31/01/2022)

Hái Lộc Thánh Xuân 2023 của bạn tại đây
Ý nghĩa Lộc Thánh
Đức Khiêm Nhường.
Ai có đức Khiêm Nhường chắc chắn người đó sẽ nên Thánh.
Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:29).
Sự khiêm nhường luôn liên quan với sự khoan hồng, còn kiêu ngạo luôn dính líu với ganh tị và ghen ghét. Thánh Phaolô cảnh báo: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2:3). Khiêm nhường xem chừng dễ dàng, nhưng thực ra lại vô cùng khó thể hiện!
Người khiêm nhường biết rõ thế mạnh (yếu điểm, ưu điểm, sở trường) của mình, dám thừa nhận điểm yếu (nhược điểm, sở đoản) của mình, còn kẻ kiêu ngạo đề cao thế mạnh của mình, nhưng lại đánh giá thấp hoặc phớt lờ điểm yếu của mình, khoe khoang và lẻo mép – ngày nay thường gọi là “nổ” hoặc “chảnh”. Người khiêm nhường biết rõ mình là ai và là gì nên không khoe khoang để tự tôn, nhưng dùng ưu thế của mình để phục vụ tha nhân vì mục đích cao thượng và lớn lao hơn chính mình. Người khiêm nhường luôn ý thức được vị trí của mình, không cố gắng thay đổi mình để giống người khác. “Đừng tìm cách để được làm thẩm phán, nếu con không có khả năng nhổ rễ bất công, kẻo rồi vì nể mặt quyền thế mà con làm tổn thương đức liêm khiết của con”. (Hc 7,6)
Thế mà trong cuộc sống vẫn có một số người nỗ lực để trở nên giống với người khác để làm “hài lòng” những người xung quanh, thậm chí “lấy lòng” cả những người họ không khâm phục. Đó là, nịnh bợ, tâng bốc, tự đánh mất chính mình. Kiểu như người ta nói: “Cáo mượn oai hổ”. Họ bợ đỡ người trên, nhưng lại hống hách và chà đạp người dưới. Thật là hèn nhát! “Đừng tưởng mình là công chính trước mặt Đức Chúa, cũng đừng ra vẻ khôn ngoan bên cạnh đức vua”. (Hc 7,5)
Khiêm nhường không phải là không dám nhận những lời khen ngợi chân thật (chứ không khen nịnh). Không thật lòng nhận lời khen chân thật lại chính là sự kiêu ngạo. Người khiêm nhường thật lòng biết khi nào nên nhận lời khen, và họ luôn chân thành công nhận tài năng của người khác.
Sự khiêm nhường là cội nguồn của những điều tốt đẹp. Những người tài giỏi luôn biết rằng sự khiêm nhường là khởi nguồn của những điều vĩ đại. Thật vậy, chỉ khi nào biết khiêm nhường thì chúng ta mới có thể học hỏi, trưởng thành và phát triển tích cực để vươn tới tầm cao nhất của chính mình.
Sống khiêm nhường rất có lợi, vì bạn có thể học hỏi mọi thứ từ bất kì ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Vua Salomon, con người khôn ngoan và thông thái, đã nói: “Sự kiêu hãnh đi liền với ô nhục, còn khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường” (Cn 11:2). Thông tin không hẳn sẽ thành tri thức, tri thức không hẳn sẽ thành sự khôn ngoan, nhưng chỉ có sự khiêm nhường mới khả dĩ giúp chúng ta đạt tới sự khôn ngoan đích thực.
Người khiêm nhường là người sống hiền lành, nhu mì, ngoan ngoãn, dịu dàng. Có thể sự khiêm nhường có phần nào đó liên quan “sự yếu đuối” – vì phải chịu lụy và nhịn nhục. Tuy nhiên, thực ra khiêm nhường lại có sức mạnh kỳ lạ, có thể đem lại sự bình an và an toàn nội tâm: “Lòng tự cao dẫn đến suy sụp, đức khiêm tốn đem lại vinh quang” (Cn 18:12).
Thánh Phêrô nói về sự khiêm nhường ở phụ nữ: “Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa” (1 Pr 3:3-4).
Khiêm nhường là khiêm tốn, khiêm hạ, nhún nhường, trái ngược với ngạo mạn, kiêu ngạo, kiêu căng, tự mãn. Người khiêm nhường không bướng bỉnh, không ương ngạnh, không ích kỷ, sẵn sàng quên mình vì người khác. Thánh Phêrô đã khuyên: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5:5).
Đặc biệt hơn, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Nếu không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:2). Trở nên như trẻ nhỏ tức là phải sống khiêm nhường.
Trong Mầu nhiệm thứ nhất mùa Vui: Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ thụ thai, Giáo hội dạy chúng ta xin cho được sống khiêm nhường. Khiêm nhường là nhân đức tối quan trọng, vì đó là nhân đức nền tảng, là “viên đá góc tường” trong Tòa Nhà Nhân Đức. Thật vậy, Kinh Thánh nói tới đức khiêm nhường khoảng 200 lần – nói rõ hoặc nói điều liên quan.
Danh nhân R. Tagore (Ấn Độ) nói: “Cầu nguyện không là cầu xin, mà là nhận biết sự yếu đuối của mình hằng ngày”. Ông không nói rõ về sự khiêm nhường, nhưng đó chính là sự khiêm nhường. Và cách định nghĩa của Ken Blanchard thật hay: “Khiêm nhường không có nghĩa là ít nghĩ về mình, mà là nghĩ mình nhỏ bé”.
Sách Dân Số cho biết: “Ông Môsê là người hiền lành nhất đời” (Ds 12:3). Người hiền lành là người khiêm nhường, không khiêm nhường không thể hiền lành. Một trong Bát Phúc cũng được Chúa Giêsu đề cập đức khiêm nhường: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:4).
Hiền lành là hoa trái của Thần Khí: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5:22-23). Đó là những nhân đức mà chúng ta phải sở hữu, với điều kiện chúng ta phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Sách Châm Ngôn xác định: “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào. Thà sống tự hạ với kẻ khiêm nhu hơn chia chiến lợi phẩm với phường kiêu hãnh” (Cn 16:18-19).
Về hai thái cực “khiêm nhường” và “kiêu ngạo”, trình thuật Lc 18:9-14 nói về dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế. Họ cùng lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.
Trước mặt Đấng Tối Cao mà người Pha-ri-sêu vẫn dám “chảnh”, hiên ngang tự nhận mình tốt lành và nhân đức. Không chỉ vậy, ông ta còn “liều” xỉa xói người khác khi “liếc xéo” người khác. Ngay trong nhà thờ, ngay khi cầu nguyện, ngay khi làm việc đạo đức mà lại phạm tội. Dạng người này “ngoan như chiên khi ở trong nhà thờ” nhưng lại “dữ như cọp khi ở ngoài nhà thờ”. Họ nói nhiều, và nói toàn điều xấu, xúc xiểm tha nhân hoặc bè phái, cấu kết với nhau mà làm hại người khác. Thật khủng khiếp!
Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa ngắn gọn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Rất khiêm nhường! Thiên Chúa rất ghét loại người giả nhân giả nghĩa, nhưng rất thương người khiêm nhường. Và Chúa Giêsu tuyên bố thẳng: “Người này (thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (Pha-ri-sêu) thì không”. Rồi Ngài kết luận: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18:14).
Cũng chỉ là tội nhân, vậy mà dám chê người khác. Liều thật! Thánh Gioan Tông đồ phân tích: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1 Ga 1:8 & 10). Ca dao Việt Nam cũng nói: “Chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Thánh Giacôbê nói rõ:“Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4:6).
Thánh Gioan Tẩy giả là ngôn sứ “giao thời”, nối kết Cựu ước với Tân ước, được Chúa Giêsu gọi là ngôn sứ vĩ đại nhất, thế nhưng Ông tự nhận mình không đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu (Mc 1:7; Lc 3:16; Ga 1:27), và tuyên bố: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3:30).
Đức Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa, được đặc ân tuyệt vời, thế nhưng Mẹ lại nhận là “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1:48). Tác giả Thánh Vịnh đã nhận định: “Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen” (Tv 147:6).
Trong một thế giới đề cao “cái tôi” và cách sống đầy ích kỷ như ngày nay, sống khiêm nhường là một thách đố lớn. Thế nên chúng ta lại càng phải cố gắng tập sống khiêm nhường. Càng khó càng phải cố. Hãy bắt chước tác giả Thánh Vịnh mà luôn tự nhủ:
Lòng con chẳng dám tự cao
Mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước
Việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu
Hồn con, con vẫn trước sau
Giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. (Tv 131:1-2)
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin và sức mạnh của Chúa Thánh Thần để chúng con có thể sống khiêm nhường theo đúng Tôn Ý Ngài.
Lạy Đức Mẹ, xin dạy dỗ và nâng đỡ chúng con suốt hành trình tập sống khiêm nhường như chính Mẹ đã sống.
Lạy Đức Thánh Giuse, xin giúp chúng con biết noi gương khiêm nhường và im lặng như ngài.
Lạy chư thánh, xin nguyện giúp cầu thay.
Chúng con cầu xin nhờ công nghiệp Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Sưu Tầm – Gieo Mầm Ơn Gọi